SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS AN PHƯỚC
(1977-2021)
An phước là tên chung của 2 xã An Lợi và Phước Nguyên nhập lại là một xã nằm dọc theo quốc lộ 51- cửa ngõ vào thị trần Long Thành. Phía Đông giáp xã Long Đức, Phía Tây giáp Tam An,Phía Nam giáp thị trấn LongThành, Phía bắc giáp xã Tam Phước.
Trước giải phóng chưa có trường cấp II, con em của xã An Phước và các xã lân cận đều phải về trường cấp II Long Thành để học. Năm 1977 Ty giáo dục Tỉnh Đồng có quyết định thành lập Trường Phổ thông cơ sở An Lợi (Gồm cấp I và cấp II). Riêng cấp II dành cho học sinh các xã An Lợi, Phước Nguyên (nay là xã An Phước), Tam An, Long Đức và một số học sinh của xã Tam Phước cùng về học.
Vị trí nhà trường cách đường quốc lộ 51 đi vào khoảng 300m, diện tích nhà trường hiện nay, là 9900m2, đối diện với UBND xã An Lợi thời đó(cơ sở này năm 1975 được tiếp quản từ cơ sở làm việc của chế độ cũ). Nay là trạm Y tế xã và trường Mẫu giáo An Phước. Bên cạnh là rừng cao su xanh tốt - Hiện nay, rừng cao su không còn nữa mà thay thế vào đó là khu dân cư đông đúc.
Tháng 7 năm 1977, nhà trường được tiến hành xây dựng nhưng kinh phí chưa có sự đầu tư của nhà nước. năm học đầu tiên 1977-1978 đã đến và bắt đầu, mặc dù phòng lớp chưa xây dựng kịp, nhà trường phải mượn cơ sở mà UBND xã đã tiếp quản sau giải phóng 30-4 năm 1975 ( sau này làm UBND xã An Lợi), để làm các phòng học tạm chờ xây dựng phòng học mới. năm học đầu tiên thật khá chật vật và khó khăn đối với thầy trò trường PTCS An Lợi thế nhưng ngày vui vẫn tới, ngày khai giảng năm học mới có đông đủ thầy cô và học sinh đến dự. thầy Nguyễn Đức Huy hiệu trưởng nhà trường, thầy Huỳnh Thế Châu Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cấp 2, thầy Dương Văn Tri PHT cấp 1, giáo viên cấp 1 gồm cô Sang, cô Nở,Cô Tình, Cô Kim Vân, Thầy Mếm…, đều là người ở địa phương Long Thành và một số cô ở Sài Gòn. Gv cấp 2 gồm có cô Châu Mĩ Quế, cô Nguyễn Thị Ngọc Hường gv văn, thầy Võ Văn Trúc, thầy Trần Quốc Hùng, Thầy Xạ gv toán- lý, cô Nguyễn Thị Đào gv sinh, thầy Trần Đình Ngũ gv sử - chính trị… học sinh cấp 2 có 7 lớp (gồm 4 lớp 6, 2 lớp 7,và 1 lớp 8 chưa có lớp 9). Tiếng trống trường vang lên giòn giã niềm vui tràn ngập trong không khí của ngày hội khai trường. đây cũng là niềm vui chưa từng có đối với phụ huynh và nhân dân xã An Lợi khi trên quê hương mình đã có một ngôi trường thân yêu cho con em mình được học tập và rèn luyện. đây chính là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời và phát triển của trường PTCS An Lợi và trường THCS An Phước hôm nay.
Vì điều kiện công tác nên cuối năm 1977 thầy Nguyễn Đức Huy hiệu trưởng nhà trường đã chuyển công tác về đơn vị mới. Thầy Huỳnh Thế Châu PHT nhà trường được bỗ nhiệm thay thế. năm 1977-1978 cuộc sống mới cũng chỉ bắt đầu sau giải phóng 1975, tất cả đều còn khó khăn – cơ sở vật chất xây dựng nhà trường đều do xã tự lo nên UBND xã cũng chỉ tận dụng những ngôi nhà tôn cũ của chế độ cũ được tiếp quản dỡ ra đêm về dựng tạm thành hai dãy phòng học, mỗi dãy bốn phòng dùng làm phòng học thật mỏng manh, cột cây, vách cót, mái tôn. còn một dãy nhà phía sau lưng (bên phải) nhìn ra đường dùng để làm văn phòng nhà trường và cũng để làm phòng nội trú cho giáo viên nhà ở xa đến ở (năm 1978).
Những năm tháng đầu gian nan, vất vả, kinh phí chưa có sự đầu tư của nhà nước nên vô cùng thiếu thốn. Trường lớp đơn sơ cột cây, vách cót, mái tôn chỉ đủ để che nắng che mưa. Vậy mà cũng tạo nên một ngôi trường duyên dáng thu hút học sinh của 5 xã về học. Riêng cấp một đã có cơ sở trước đó. Từ năm học 1978-1979 học sinh đã có phòng học không phải học nhờ cơ sở khác nữa.
Năm 1978-1979 số học sinh ở cấp II bắt đầu tăng dần ở cả bốn khối lớp: khối sáu có 4 lớp, khối bảy có 3 lớp, khối tám có 2 lớp và khối chín có 1 lớp. Nhà trường đón thêm một số thầy cô ở trưởng Cao đẳng sư phạm Đồng Nai về giảng dạy đó là Cô Thạch, cô Ngọc, cô Sương, cô Mước, thầy Thái ở nơi khác về.
năm học 1979-1980 thầy Huỳnh Thế Châu đã chuyển công tác về quê nhà thầy Trần Đình Ngũ là giáo viên của nhà trường được PGD bổ nhiệm thay thế Thầy Huỳnh Thế Châu làm hiệu trưởng đồng thời thầy Trương Văn Sanh cũng được bổ nhiệm làm PHT cấp 2.
Năm học 1979-1980 số lớp và số học sinh tăng nhanh- Tổng số 14 lớp-Khối sáu 4 lớp, khối bảy 4 lớp, khối tám 3 lớp và khối chín 2 lớp. Nhà trường cũng đón thêm một số thầy cô ở trường Cao đẳng sư phạm Đồng Nai về: cô Nguyễn Thị Lan, cô Nguyễn Thị Ánh, Thầy Trần Văn Bốn, cô Nguyễn Thị Thim, cô Lưu Thị Nhương, thầy Nguyễn Văn Liệp, Cô Sương… khu tập thể ngày càng tăng dân số.
Thời buổi bao cấp, hàng hóa điều phân phối theo tiêu chuẩn.đặc biệt là mặt hàng gạo mỗi tháng chỉ được 3,9kg gạo còn lại là chất độn như khoai lang, bo bo,… không ai lấy về vì chất lượng không ăn được - đời sống của giáo viên phải ở tập thể nhất là những thầy cô quê ở ngoài Bắc, ngoài Trung thì quá khó khăn. Giai đoạn này, có nhiều cô đã bỏ nghề chuyển sang công việc khác làm kinh tế (chủ yếu là một số cô cấp I). Mặc dù đời sống khó khăn thực sự nhưng những thầy cô ở tập thể - giáo viên mới ra trường, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, yêu nghề nên vẫn thấy vui và lạc quan yêu đời.
Năm học 1982 Thầy Trần Đình Ngũ hiệu trưởng nhà trường đã đi cùng gia đình định cư ở nước ngoài. Thầy Trần Văn Bốn là giáo viên của trường được phòng giáo dục đề bạt giữ chức hiệu trưởng thay cho thầy Trần Đình Ngũ.
Thầy Bốn đã củng cố lại kỉ cương nề nếp nhà trường sau một thời gian thầy Ngũ không mấy nhiệt tâm, phó thác tất cả công việc cho thầy Trương Văn Sanh gánh vác.
Thầy Bốn đã nhiệt tình bắt tay vào xây dựng nề nếp chuyên môn quan tâm chất lượng của cả hai cấp (cấp I, cấp II) công tác quản lý có phần phức tạp, cấp II thuận lợi hơn, cơ sở chỉ có một điểm chính, riêng cấp 1 phòng lớp ở nhiều điểm phụ. Cơ sở phòng học vẫn còn thiếu, cấp II còn tình trạng lớp học ca 3 – đây là vấn đề cự kỳ khó khăn của BGH. Ngược lại đội ngũ giáo viên đa số còn trẻ, mới ra trường, đầy nhiệt huyết, yêu nghề, mếm trẻ đã giúp nhà trường vượt qua tất cả những khó khăn- Tập thể nhà trường đoàn kết thống nhất, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt khu tập thể có chín thầy cô giáo viên cấp II ở, cuộc sống hết sức khó khăn luôn được các anh chị giáo viên ở cấp I động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhất là Thầy Nguyễn Ngọc Báu (giáo viên cấp I) chủ tịch Công Đoàn nhà trường.
Năm 1983 nhà trường được kết nạp hai đảng viên mới là Cô Nguyễn Kim Vân giáo viên cấp I và Cô Nguyễn Thị Lan giáo viên vừa giảng dạy kiêm tổng phụ trách Đoàn –Đội từ năm 1981. Sau khi kết nạp Cô Nguyễn Kim Vân được phòng giáo dục Long Thành điều động về trường Tiểu học Tam Phước 1 làm hiệu trưởng. Sau một thời gian lại được điều về làm cán bộ tổ chức của phòng giáo dục Long Thành. Lúc đó nhà trường chưa có Chi bộ nên cô Lan phải sinh hoạt Đảng với chi bộ địa phương.
Tháng 8 năm 1984, Thầy Trương Văn Sanh chuyển về Long Thành làm công tác phổ cập. Cô Nguyễn Thị Lan được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng thay thế cho thầy Trương Văn Sanh phụ trách chuyên môn cấp II.
Năm 1984 trường phát triển thêm một Đảng viên mới là thầy Trần Văn Bốn – cả hai đồng chí đều phải sinh hoạt với cho bộ địa phương.
Năm 1985 nhà trường nhận về một giáo viên Tiểu học, quê ở Hà Tĩnh vào, là cô Phan Thị Thuấn là Đảng viên - lúc này nhà trường đã có ba Đảng viên. Để tạo điều kiện tốt cho công tác lãnh đạo nhà trường, Đảng ủy quyết định thành lập chi bộ đặc biệt tại trường Phổ thông cơ sở An Lợi gồm ba đồng chí là đồng chí Nguyễn Thị Lan, đồng chí Trần Văn Bốn và đồng chí Phan Thị Thuấn.
Ngày 2 tháng 9 năm 1985 chi bộ tổ chức đại hội để bầu ra đồng chí làm bí thư chi bộ nhà trường, người trúng cử là đồng chí Nguyễn Thị Lan (Chi bộ không có chi ủy). Như vậy ngày 2/9/1985 đã đánh dấu một mốt son, ghi vào lịch sử cho chi bộ trường PTCS An Lợi – Nay là chi bộ trường THCS An Phước. Đây là chi bộ đầu tiên của nghành giáo dục huyện Long Thành.
Năm 1983-1984, xã Tam An và xã Long Đức được thành lập tường PTCS-vì vậy, số học sinh của hai xã trên lại được về học ở xã nhà, số học sinh cấp II của trường lại giảm dần cơ sở vật chất phòng học đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy, nhà trường đã xóa được lớp học ca ba, công tác quản lý của BGH đỡ vất vả hơn.
Năm 1989-1990 Thầy Trần Văn Bốn được điều về làm công tác tại trường PTCS Long Đức, xã Long Đức và nông trường cao su Long Thành. Thầy Nguyễn Thân, hiệu trưởng trường PTCS Bình Sơn được điều động về trường PTCS An Lợi làm hiệu trưởng nhà trường. Giai đoạn này chủ trương của ngành giáo dục xây dựng các trường cụm trong huyện đối với cấp II để đầu tư về chuyên môn tốt hơn, như vậy xã an Phước lại được đang cai trường cụm, một lần nữa học sinh cấp II của xã Tam An lại được tập trung về học tại trường PTCS An Lợi thuộc xã An Phước. và năm 1990 – 1991 thì hs Long Đức cũng về trương học.
Do cơ cấu trường cụm nên số lượng học sinh ngày càng tăng khá nhanh, cơ sở vật chất cũng được huyện đầu tư xây dựng thêm để đảm bảo đủ cho học sinh được học hai ca. tuy nhiên, các lớp phổ cập vẫn thiếu phòng, phải học nhờ phòng mượn của UBND xã.
Tháng 9 năm 1990, thầy Huỳnh Phi Hùng là phó hiệu trưởng trường PTCS Tam Phước, được chuyển về trường làm công tác – giữ chứ phó hiệu trưởng. Như vậy, lúc này nàh trường có hai phó hiệu trưởng cùng phụ trách chuyên môn cấp II. Đến tháng 6 năm 1992 thầy được phòng giáo dục cử đi học (đại học). Sau khi học xong, thầy về trường, tiếp tục công tác giảng dạy. Thầy đã cống hiến và có nhiều đóng góp cho chuyên môn nhà trường.
Từ năm 1992 đến 1997 trường PTCS An Lợi, dưới sự lãnh đạo của thầy Nguyễn Thân (Hiệu trưởng), cô Nguyễn Thị Lan (Phó hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ) và cô Bùi Thị Mỹ (Phó hiệu trưởng cấp I) công tác phát triển ngày càng lớn mạnh cả về tổ chức, chuyên môn và công tác xây dựng Đảng. Đội ngũ giáo viên khá đông gần 70 giáo viên (kể cả cấp I và cấp II). Số lượng Đảng viên cũng phát triển khá nhanh, chi bộ đã có 15 đảng viên (kể cả cấp I Phước Nguyên). Giai đoạn này chi bộ được Đảng ủy biên chế lại và lấy tên là chi bộ giáo dục xã An Phước. Có nhiệm vụ lãnh đạo khối giáo dục, gồm có trường PTCS An Lợi, trường cấp I Phước Nguyên và trường Mẫu giáo An Phước.
Ngày 1 tháng 8 năm 1997 sở giáo dục và đào tạo Đồng Nai có quyết định giải thể trường PTCS An Lợi và trường cấp 1 Phước Nguyên để thành lập Trường THCS An Phước và Trường Tiểu học An Lợi.
Sau khi tách cấp I ra, trường An Phước được thành lập mới, BGH chỉ còn lại hai người: Thầy Nguyễn Thân HT và cô Nguyễn Thị Lan (PHT kiêm bí thư chi bộ nhà trường) ,chủ tịch Công Đoàn là thầy Nguyễn Văn Cấn, tổng phụ trách Đội Cô Trần Bích Thủy. Nhà trường có 2 tổ chuyên môn,tổ khoa học xã hội do cô Hồ Hồng Cửu làm tổ trưởng,tổ khoa học tự nhiên do thầy Nguyễn Đăng Soạn làm tổ trưởng,với đội ngũ giáo viên công nhân viên là 52 người, cơ sở vật chất có 16 phòng học (cấp 4) cho 31 lớp phổ thông- 1566 HS và có 3 lớp phổ cập gần 100 học sinh.
Năm học 1998-1999 cô Trần Bích Thủy , tổng phụ trách Đội của nhà trường được chuyển về trường THCS Long Thành công tác, nhà trường phân công do cô Quản Thị Thu Thủy thay thế, làm tổng phụ trách Đội, được 1 năm, cô Thủy chuyển sang giảng dạy- Thầy Đào Thanh Hiếu được phân công thay thế cô Thủy làm tổng phụ trách Đội
Từ năm học 1999-2000 đến năm học 2002-2003, trong 3 năm, nhà trường được đón nhiều giáo viên chuyển về, tổng số cán bộ GV- CNV đã lên tới 61 người, số lớp vẫn được giữ nguyên 31 lớp, số học sinh có giảm còn 1356 HS và 4 lớp phổ cập có 104 em.
Tháng 8.1999 Thầy Nguyễn Đăng Soạn, tổ trưởng tổ tự nhiên, được chuyển về công tác giảng dạy tại trường THPT Tam Phước, Thầy Phan Huy Hùng, được phân công thay thế làm tổ trưởng, tổ tự nhiên. Đến tháng 8 năm học 2001-2002 thầy Phan Huy Hùng lại chuyển về trường THCS Nguyễn Đức Ứng giảng dạy-Nhà trường lại phải điều chỉnh, phân công thầy Huỳnh Phi Hùng làm tổ trưởng tổ khoa học tự nhiên.
Sau 5 năm tách trường, diện mạo nhà trường được thay đổi khá nhiều, cơ sở vật chất được huyện đầu tư nhiều hơn, xây thêm được một số phòng học cấp 4 và đã đáp ứng nhu cầu học hai ca.Công tác quản lý của BGH, được tập trung hơn và chuyên sâu vào một cấp, nên trong thời gian này, nhà trường đã đạt khá nhiều thành tích trong chuyên môn…
Năm học 2004-2005 số lượng HS giảm dần , còn 1101 học sinh với 30 lớp. Một năm học có nhiều phong trào thi đua sôi nổi và đã đạt nhiều thành tích vượt trội. Có 9 giáo viên đạt giỏi huyện trong đó có 5 giáo viên nữ được dự thi hội giảng cấp tỉnh, kết quả cả 5 cô đều đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh , được mệnh danh là “ Ngũ long công chúa”, một thành tích rực rỡ chưa từng có ở một nhà trường, trong một kỳ hội giảng cấp tỉnh do sở giáo dục tổ chức, điều đó đã làm nức lòng các trường trong huyện cụ thể năm cô đó là cô Hồ Hồng Cửu môn ngữ văn, Cô Nguyễn Thị Thảo môn lịch sử, cô Nguyễn Thị Thanh xuân môn Hóa, Cô Nguyễn Thị Hiền môn Vật lý, cô Nguyễn Thị Chinh môn Toán.
Giao đoạn từ 2005-2008, sĩ số học sinh duy trì ở 24 lớp cho cả 4 khối- tính đến năm 2006-2007 số học sinh là 936 em –nhà trường đã xóa hết các lớp phổ cập, đưa các em tiếp tục học. Đồng thời, với số hoc sinh giảm dần, phòng giáo dục đã rút đi năm giáo viên của trường THCS An Phước, để điều về các trường trong huyện còn thiếu nhà trường cũng được nhận về một giáo viện để làm tổng phụ trách Đội, thay cho thầy Đào Thanh Hiếu, đó là cô Nguyễn Thị Thùy Dung.
Ban giám hiệu đã tích cực tham mưu với địa phương và phòng giáo dục, về việc xây dựng phòng học kiên cố để thay thế cho các phòng học cấp 4 đã xuống cấp. Kế hoạch của BGH đã được phòng giáo dục và sở giáo dục đầu tư xây dựng 12 phòng học mới (1 trệt và 3 lầu) công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2007. Như vậy, nhà trường đã có 16 phòng lầu kiên cố, chưa kể đến các phòng cấp 4 cũ, được xây dựng trước đây. Cơ sở vật chất đã trang bị đầy đủ phòng học và một số phòng chức năng phục vụ cho dạy và học đạt kết quả tốt- học sinh đã thật sự được ngồi học, ở ngôi trường rộng rãi, khang trang, thoáng mát, không còn cảnh trật trội nóng bức như những năm trước đó.
Năm học 2007-2008 số HS lại giảm xuống, còn 880 em, lý do hoc4 sinh giảm là vì chủ trương của phòng giáo dục, cho phép HS cấp II của xã Long Đức được về học tại trường THCS Nguyễn Đức Ứng. Đội ngũ giáo viên cũng được ổn định, đủ theo tỉ lệ quy định từ học sinh- hoạt động chuyên môn được đầu tư vào chiều sâu và chú trọng nhiều đến chất lượng học sinh.Có nhiều năm được phòng giáo dục bố trí để nhà trường được đăng cai các chuyên đề, đăng cai tổ chức hội giảng cấp huyện, đặt địa điểm bồi dưỡng học sinh giỏi, dự thi cấp tỉnh. Nhà trường có đội ngũ giáo viên, có năng lực chuyên môn và tay nghề khá vững, nhiều năm liền nhà trường có nhiều giáo viên đạt giỏi huyện, giỏi tỉnh. Các hoạt động đoàn thể: công Đoàn, Đoàn- Đội đều phát triển và hoạt động mạnh, nhiều năm liền đạt danh hiệu Công Đoàn vững mạnh, liện Đội mạnh cấp huyện, cấp tỉnh. Nhà trường cũng đã có năm đạt đến đỉnh cao của thành tích được Sở GD- ĐT Đồng Nai tặng cờ đơn vị tiên tiến xuất sắc năm học 1996- 1997 và UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen đơn vị đạt thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2004 - 2005.
Đặc biệt là nhà trường có chi bộ Đảng, nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.Cấp ủy nhiệt tình, gương mẫu tích cực trong công tác xây dựng Đảng, có năm phát triển 4 Đảng viên, có năm số đảng viên lên tới 24 Đảng viên , đạt khoảng 40% so với tổng số CBCNCNV trong nhà trường, An Phước là một trong những trường có tỉ lệ Đảng viên cao, so với các trường trong huyện.Chi bộ cũng đã chuyển sinh hoạt cho khoảng 20 Đảng viên về đơn vị mới cho cán bộ, giáo viên, do chuyển trường và tách trường.Hiện nay, chi bộ còn 17 Đảng Viên/31 cán bộ giáo viên CNVC (tính đến tháng 6/2013).
Thầy Nguyễn Thân (HT) nhà trường từ năm 1989 đến tháng 8.2008- mười chín năm gắn bó, mười chín năm làm người quản lý, biết bao sự cống hiến hy sinh cho một ngôi trường còn muôn vàn khó khăn – trường cụm , học sinh đông , cơ sở vật chất thiếu thốn , đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, người hiệu trưởng ấy , luôn bình tĩnh, tự tin, lãnh đạo nhà trường từng bước phát triển. Mỗi bước đi, sự trưởng thành và những thành tích đáng kể của nhà trường trong suốt 19 năm lãnh đạo, đều in đậm dấu ấn và công lao to lớn của thầy.
Năm học 2008- 2009 do công tác tổ chức thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý trong ngành- thầy Nguyễn Thân được điều động về làm hiệu trưởng tại trường THCS Hòa Bình- xã Tam Phước nay thuộc thành phố Biên Hòa- Thầy chuyển đi trong sự tiếc nuối, mến thương của biết bao thầy cô giáo trong nhà trường . Tháng 8. 2008 nhà trường được đón thầy Lê Văn Nhậm hiệu trưởng THCS Tam Phước về công tác tại trường , thay thế thầy Nguyễn Thân làm hiệu trưởng.
Kể từ đây, trường An Phước lại có sự đổi thay- trường cũ, chủ mới sẽ nói lên điều gì? Tuổi trẻ bao giờ cũng năng động sáng tạo- Thầy quyết tâm làm thay đổi diện mạo nhà trường.Về trường Thầy đã bắt tay vào củng cố tổ chức, chú trọng công tác chuyên môn – đặc biệt quan tâm sửa sang, tu bổ lại khuôn viên nhà trường. Sân trường bằng phẳng sạch đẹp, bồn hoa cây cảnh xanh tươi, tạo cho bộ mặt nhà trường thêm khang trang sạch đẹp .
Năm 2008- 2011 các phong trào của nhà trường phát triển mạnh mẽ. Công Đoàn nhà trường nhiều năm liên tục đạt danh hiệu công Đoàn vững mạnh .Thầy Nguyễn Văn Cấn chủ tịch Công Đoàn nhà trường từ năm 1988-2010 thầy mới nghỉ hưu. Thầy có nhiều kinh nghiệm cộng tác quần chúng biết chăm lo cho đời sống giáo viên. Mỗi khi giáo viên ốm đau, hay gia đình có hữu sự, thầy đều có mặt để thăm hỏi động viện, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác. Cô Hồng Cửu là tổ trưởng chuyên môn lâu năm, một cán bộ nữ công nhiệt tình năng động, luôn quan tâm đến quyền lợi của giáo viên nữ - hòa đồng và có sức cuốn hút các hoạt động phong trào - giúp cho Công Đoàn nhà trường luôn vững mạnh.
Công tác Đoàn- Đội vẫn giữ được truyền thống vững mạnh của những năm trước, liên đội đã đạt được khá nhiều thành tích cá nhân, tập thể, từ các hoạt động phong trào kế hoạch nhỏ, thể dục thể thao, hội Hoa Phượng Đỏ, thành tích học tập của nhiều đội viên tất cả đều phải nói đến vai trò của cô Tổng Phụ trách người tổ chức các hoạt động cho liên đội - cô Nguyễn Thị Thùy Dung, một Tổng Phụ Trách giỏi, có tâm hồn trẻ trung vui vẻ, nhạy cảm với công việc, có nhiều kinh nghiệm phụ trách Đội- Thiếu Niên giúp cho liên đội đạt nhiều thành tích - đạt liên đội mạnh cấp huyện cấp tỉnh trong nhiều năm liền .
Đặc biệt là hoạt động chuyên môn, đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Dưới sự lãnh đạo của BGH, Thầy Lê Văn Nhậm, cô Nguyễn Thị Lan, đã phát huy vai trò tích cực của các tổ trưởng chuyên môn: thầy Huỳnh Phi Hùng, cô Hồ Hồng Cửu, cô Võ Thị Kim Cương, Cô lương Kim Sang, cô Lưu Bích Thủy, thầy Nguyễn Văn Chẩn,Thầy Đào Thanh Hiếu, cô Nguyễn Ngọc Hạnh.Thầy Nguyễn Tấn Hoàng-là những người đi đầu trong công tác chuyên môn, tổ chức thực hiện các hoạt động ở tổ chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Mỗi năm, mỗi kỳ hội giảng cấp huyện hoặc cấp tỉnh nhà trường đều có giáo viên giỏi cấp huyện, 01 giáo viên giỏi tỉnh, 31 lượt cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Năm 2011, một sự kiện lớn đầy khó khăn đối với BGH trường THCS An Phước là phải thực hiện quyết định của UBND huyện Long Thành về việc tách trường, đưa học sinh thuộc xã Tam An, đang học tại trường THCS An phước về học tại trường mới được xây dựng ở xã Tam An ( trường THCS Tam An ). Đồng thời cũng phải chuyển 16 giáo viên đang giảng dạy tại trường An Phước về dạy ở trường THCS Tam An.
Từ năm học 2011-2012, trường đã được thu nhỏ hơn chỉ còn lại học sinh của xã An Phước. Tổng số 487 em, biên chế 12 lớp ( trong đó cũng còn lại một số học sinh Tam An học lớp 9 được ở lại trường học). Lúc này cơ sở vật chất ( phòng học ) có phần thoải mái hơn. Thời khóa biểu chính khóa các em học buổi sáng, còn buổi chiều dành cho buổi 2 (dạy tăng giờ) và các hoạt động ngoài giờ
Năm học 2011-2012 là năm đầu tiên nhà trường thực hiện dạy 2 buổi cho học sinh, từ đầu năm theo kế hoạch của PGD-ĐT (áp dụng cho các trường có điều kiện đầy đủ về cơ sở vật chất). Thực hiện dạy 2 buổi cho học sinh là sự quyết tâm lớn của BGH Vì mô hình này còn rất mới, chưa có trường nào trong huyện thực hiện được. Đối với học sinh, ngoài việc được học thêm các môn văn hóa, các em còn được học thêm các môn năng khiếu, đa số các em rất thích. Đặc biệt là học sinh nam, bóng đá, bóng chuyền… đã lôi cuốn các em vào một sân chơi bổ ích. Vì vậy mà một số học sinh thường bị vi phạm đã giảm hẳn so với những năm trước. Một bước đột phá mà nhà trường đã thành công tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Một năm học có khá nhiều thành tích, chất lượng nhà trường được nâng cao, tỉ lệ học sinh cuối năm đạt 94% trung bình trở lên. Riêng lớp 9 đạt 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THCS. Có 12 học sinh đạt giỏi cấp huyện, trong đó có 2 em được dự thi cấp tỉnh, 3 giáo viên giỏi huyện và 1 giáo viên giỏi tỉnh, 8 CBGV đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Một thành tích đáng kể , không thể không nói đến vai trò của người lãnh đạo - Thầy Lê Văn Nhậm đã thành công trong những bước đi của mình.
Tháng 8 năm 2012 do nhiệm vụ phân công, Thầy Lê Văn Nhậm lại phải chuyển trường về công tác tại trường THCS thị trấn Long Thành. Bốn năm cống hiến cho nhà trường An Phước, một khoảng thời gian tuy chưa dài so với 36 năm tuổi đời của nhà trường. Nhưng Thầy cũng đã để lại một trang sử hôm nay. Tập thể nhà trường chia tay Thầy trong niềm chia sẻ ngọt ngào, Thầy hãy vui và làm hết sức mình cho trường mới như những gì Thầy đã từng làm cho An Phước hôm nay.
Tháng 8 năm 2012, Thầy Nguyễn Văn Hòa đang công tác tại trường THCS thị trấn Long Thành, được bổ nhiệm về thay thế Thầy Lê Văn Nhậm làm hiệu trưởng nhà trường - một bước ngoặt trong sự nghiệp của mình, Thầy đã nỗ lực và khắc phục mọi khó khăn để vững bước trên con đường lãnh đạo nhà trường.
Năm học 2012-2013 là một năm học không ít khó khăn đối với nhà trường, kể từ sau khi tách trường Tam An đội ngũ giáo viên không còn ổn định và mất cân đối giữa các bộ môn, tình trạng thiếu giáo viên tạm thời ở bộ môn Ngữ văn và Anh văn khiến cho công tác quản lí chuyên môn thật sự khó khăn, nhưng với sự nhạy cảm năng động, BGH đã lãnh đạo và điều hành thực hiện tốt các kế hoạch của nhà trường và của ngành. Nhà trường tiếp tục thực hiện kế hoạch dạy 2 buổi cho học sinh. Tích cực tham gia các hoạt động phong trào do phòng giáo dục tổ chức đạt giải khuyến khích hội thi tiếng hát giáo viên huyện Long Thành, giải 3 múa dân vũ
Và nhiều thành tích khác của học sinh về học tập qua các kì thi học sinh giỏi cấp huyện và các phong trào của Đội do Huyện Đoàn tổ chức. Kết quả cuối năm nhà trường đã hoàn thành tốt kế hoạch năm học mà ngành đã giao cho. Danh hiệu : Công đoàn vững mạnh, Liên đội mạnh cấp tỉnh, trường tiên tiến cấp ngành. Chi bộ đạt chi bộ trong sạch vững mạnh.
Điểm lại một chặng đường lịch sử ( 1977 – 2013 ) trường phổ thông cơ sở An Lợi là tiền thân của trường THCS An Phước hôm nay. 36 năm với bao nhiêu biến đổi, biết bao lớp thầy cô đã tới, đã đi: Thầy Nguyễn Đức Huy,Thầy Huỳnh Thế Châu,Thầy Ngũ, Thầy Quốc Hùng, Thầy Thái,cô Đào, Cô Kim Vân, Cô Dự, Thầy Tri…Cô Thạch, Cô Ngọc, Cô Mước, Cô Ánh, Thầy Bốn, Thầy Long…Thầy Phước, Thầy Soạn, Cô Đức, Thầy Phú, Thầy Phan Hùng, Cô Hoa,cô Trần Thủy, cô Lê Lan, Cô Na….,cô Lê Hiền, cô Nguyễn Hiền, cô Lê Hoa, Thầy Thân, Cô Thảo, cô Thu Dung…, và 16 thầy cô giáo của nhà trường chuyển về THCS Tam An ( do tách trường ), Cô Chuyên, Thầy Nhậm…
Những thầy cô ngoài nhiệm vụ giảng dạy trên lớp còn phải kiêm nhiệm những nhiệm vụ trọng trách của nhà trường trong những năm qua :
· Chủ tịch công đoàn nhà trường gồm có : Cô Nguyễn Thị Tình, Thầy Nguyễn Ngọc Báu, Thầy Nguyễn Văn Cấn và hiện nay là Thầy Nguyễn Tấn Hoàng
· Tổng phụ trách độ gồm có : Cô Nguyễn Kim Vân, Cô Nguyễn Thị Lan, Cô Trần Thị Hồng, Thầy Ngô Quốc Thạnh,Thầy Trịnh Thành Phước, Thầy Trần Trọng Phú, Cô Quản Thị Thu Thủy, Cô Trần Bích Thủy, Thầy Đào Thanh Hiếu, Cô Nguyễn Thị Thùy Dung
· Những thầy cô đã từng làm tổ trưởng chuyên môn: Cô Công tằng tôn nữ Thị Hồng Thạch, Thầy Quốc Hùng, Thầy Chế Quang Long, Cô Hồ Hồng Cửu, Thầy Nguyễn Đăng Soạn, Thầy Phan Huy Hùng, Cô Võ Thị Kim Cương, Thầy Huỳnh Phi Hùng, Cô Quản Thị Thu Thủy Thầy Đào Thanh Hiếu, Cô Lương Kim Sang, Cô Nguyễn Ngọc Hạnh, Cô Lưu Bích Thủy, Thầy Nguyễn Văn Chẩn.
Đặc biệt là nói đến chi bộ Đảng nhà trường, cấp ủy là những người được chi bộ tín nhiệm bầu lên qua các kì đại hội chi bộ để lãnh đạo nhà trường. Kể từ khi được thành lập đến nay gồm có: Đ/c Nguyễn Thị Lan, Đ/c Trần Văn Bốn, Đ/c Nguyễn Thân, Đ/c Nguyễn Thị Bé, Đ/c Bùi Kim Đại, Đ/c Đào Thanh Hiếu, Đ/c Lê Chị Lan, Đ/c Hồ Hồng Cửu, Đ/c Lê Văn Nhậm, Đ/c Lê Chi Lan, Đ/c Nguyễn Văn Hòa.
· Những gv đã từng là giáo viên giỏi cấp tỉnh đã làm nên những thành tích cho nhà trường: cô Võ Thị Kim Cương,cô Lê Chi Lan, cô Lê Thị Lan, cô Hồ Hồng Cửu, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, cô Nguyễn Thị Thảo, cô Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Chinh, thầy Trịnh Thành Phát, cô Nguyễn Thị Chuyên.
Và không thể kể hết quí thầy cô là Đảng viên, là giáo viên ngày ngày đứng trên bục giảng, các cán bộ nhân viên ngày đêm phục vụ nhà trường. Tất cả,tất cả đã một thời cống hiến và làm nên sự lớn mạnh của nhà trường.
Ngoài ra chúng ta cũng không quên nói đến một người đó là cô Nguyễn Thị Lan, người đã về công tác tại trường từ năm 1979 đến nay. Ba mươi bốn năm gắn bó với nhà trường, hai mươi tám năm trong ban giám hiệu, hai mươi lăm năm làm bí thư chi bộ nhà trường. Người được chứng kiến tất cả sự lớn lên, trưởng thành và những đổi thay của nhà trường đã trải qua. Gian truân vất vả nhưng cũng đầy tự hào. Ba mươi bốn năm giảng dạy và công tác với năm mươi lăm tuổi đời, một con người như cô đã từng vượt lên trên tất cả những khó khăn. Toàn tâm, toàn ý, cống hiến trọn sự nghiệp của mình cho một nhà trường mà cô đã hằng yêu thương
Tháng 3 năm 2013 cô đã được nghỉ hưu về hưởng chế độ BHXH của nhà nước, nhà trường chia tay cô trong sự nồng ấm mến thân. Cô cũng thấy hạnh phúc vì mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước đã giao cho.
Tháng 4 năm 2013, Thầy Đào Thanh Hiếu giáo viên của nhà trường được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng để thay thế cho Cô Nguyễn Thị Lan, lại một nữa BGH được điều chỉnh bổ sung. Kết thúc năm học 2012-2013 nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và chuẩn bị kế hoạch cho năm học 2013-2014 phấn đấu đủ điều kiện để những năm tới nhà trường được xét công nhận trường chuẩn quốc gia.
Ngày 26 tháng 11 năm 2015 trường THCS An Phước được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 theo quyết định số 3742/QĐ-UBND ngày 26/11/ 2015, của UBND tỉnh Đồng Nai.
Ngày 03 tháng 5 năm 2018 trường THCS An Phước được công nhận chất lượng giáo dục mức độ 3 theo Quyết định số 480/QĐ-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai.
An Phước hôm nay, trường cao lộng gió, đứng trên lầu 3 nhìn về bốn hướng, một không gian rộng lớn “ Thiên thời địa lợi” đã tạo cho nhà trường một vị thế uy nghi. Chính nơi đây đã ghi nhận biết bao những chuyến đò đưa khách sang sông, biết bao những con người đã thành đạt, thành tài, hiện đang công tác và phục vụ cho Tổ Quốc. Ôn lại một chặng đường biết bao kỉ niệm thân thương, ở bốn phương trời kia cũng có những thầy cô đã từng giảng dạy ở trường An Phước chắc hẳn cũng không quên “An Lợi”, “An Phước” mà mình đã một thời đi qua. Nếu có dịp, xin mời quí thầy cô hãy về thăm trường cũ, nhớ lại kỉ niệm xưa, nơi đây đã từng in dấu chân mình trên bục giảng
Sân trường hôm nay, vẫn đầy ắp những tiếng cười vui, học sinh vẫn ngày ngày nô nức tới trường, thi đua học tập tốt. Lớp thầy cô hiện đang công tác tại trường đã và đang phát huy những thành quả của các thế hệ đi trước, cống hiến hết sức mình để xây dựng nhà trường An Phước, ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Chúng ta tin rằng BGH – Thầy Nguyễn Văn Hòa, Thầy Đào Thanh Hiếu với sức trẻ đầy nhiệt huyết, sẽ lãnh đạo trường vững bước trên con đường phát triển, xây dựng trường THCS An Phước đạt trường chuẩn quốc gia- thành quả đó chính là niềm tự hào của tất cả các thế hệ thầy trò trường THCS An Phước chúng ta.
Kính thưa quí thầy cô và các bạn đồng nghiệp, được sự cho phép của BGH nhà trường, tôi xin được ghi lại đôi nét sơ lược về trường THCS An Phước ( 1977 – 2021 ). Ba mươi sáu năm trưởng thành và phát triển với bảy đời hiệu trưởng. Biết bao nhiêu những sự kiện lịch sử, sự đổi thay và phát triển không ngừng. Bài viết hôm nay, không thể ghi hết được, từng bước đi, những thành tích lớn lao mà nhà trường đã đạt được qua năm tháng. Cũng như không thể nêu hết được sự nỗ lực phấn đấu, công lao to lớn của mỗi thầy cô đã từng giảng dạy ở nhà trường. Tôi nghĩ rằng thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, tôi rất mong được quý thầy cô hiện đang công tác tại trường, quý thầy cô đã chuyển công tác về trường mới và cả những thầy cô đã về nghỉ hưu tại quê nhà hãy thông cảm thật nhiều và cho tôi lời góp ý chân tình để tôi có thể điều chỉnh lại cho bài viết đầy đủ và hoàn thiện hơn.
BAN GIÁM HIỆU NHÀ TRƯỜNG